Chúng mình cưa đôi việc nhà
Hai vợ chồng Phương mới cưới nhau ít lâu nhưng mà đã có vẻ trục trặc. Nhà đẹp, xe xịn, chồng giỏi, vợ xinh, kiếm tiền như nước có gì mà phải phàn nàn. Hai bên gia đình bố mẹ đều vun vào, yêu quý con hiền, rể thảo. Hóa ra chỉ tại cái việc nhà.
Phương lên một danh sách dài dằng dặc các công việc nhà: đi chợ, nấu cơm, rửa bát, sắp bát, cọ nhà vệ sinh, giặt quần áo, gấp quần áo, phơi quần áo... chia đều cho cả hai vợ chồng. Ban đầu, chồng cô cũng vui vẻ làm, tuy cũng chưa đâu ra đâu.
Nhưng bực nhất là cứ làm xong, vợ lại cằn nhằn: “Thà em phơi quần áo cho xong. Anh phơi không thèm giũ, nhàu nhĩ, xô lệch, em phải đi làm lại” hay “Đổ rác xong mà anh không biết tráng cái xô cho nó sạch, lại vứt ngay vào đấy”, “Quần áo thay ra anh phải mang ra chậu. Vứt khắp nhà, ai mang ra ngoài giặt cho anh được”...
Vốn đã không quen làm việc nhà, lại thêm sự khó chịu của vợ, chồng Phương càng thấy bị ức chế. Dần dà, anh cũng bắt đầu quay ra bắt lỗi vợ: “Nấu ăn gì mà mặn thế”. Đến lúc không còn gì để chê, anh phát khùng: “Vợ thì phải làm hết, chứ lấy vợ về để thờ đâu?”
Không thể lúc nào cũng cưa đôi việc nhà 50 - 50 Con ốm, con khóc mà chồng cứ ngủ tì tì
Sinh con một thời gian, Hương càng ngày càng cảm thấy ức chồng. Chao ôi, con là con chung, sao việc gì cũng đến tay mẹ thế. Cả đêm lục xục cho con bú rồi pha sữa cho con. Mở mắt dậy, con tìm mẹ. Thay bỉm, pha sữa, chuẩn bị cháo. Rồi đến bữa ăn, tắm giặt cho con, dỗ con lên giường đi ngủ.
Cuộc sống bình thường như thế đã tốt. Lúc con ốm con đau, một tay Hương bế, dỗ con. Chồng bên cạnh cứ ngay o o, ngủ tì tì. Mệt quá, Hương đá chân chồng mấy cái mà anh chả dậy gì cả. Chỉ hỏi mỗi câu: “Gì đấy” như đang ngủ mơ rồi lại tiếp tục ngáy. Sáng ra cười cáo lỗi: “Bố ngủ không biết gì”.
Đi chơi ở đâu hay đến nhà ai, ăn cơm Hương toàn phải trông con, cho con ăn trước. Đến lượt mẹ ăn thì cũng hết các miếng ngon, đồ ăn thì nguội. Trong khi đó, chồng ngồi bù khú, chén chú chén anh đến lúc về. Rõ là họ con là họ bố, chứ có phải họ mẹ đâu. Càng nghĩ, Hương lại càng thấy ức vì chồng chẳng chịu chia sẻ trách nhiệm nuôi con gì cả.
Mấy lần, Hương cứ gắt gỏng với chồng. Trước mặt bao nhiêu người, Hương quát chồng bế con, thay bỉm, đi về trông con... làm anh chồng ngượng chín cả mặt. Vợ chồng vài lần lời qua tiếng lại: “Cô bỏ cái kiểu bình đẳng dở hơi ấy đi. Ai đi làm suốt cả ngày kiếm tiền về cho hai mẹ con tiêu xài?”.
Đã thế, Hương cũng chẳng vừa, cứ đi nói xấu chồng và sai chồng chem chẻm. Kết quả, mấy lần chồng tạt tai cô mấy cái. Cô chỉ biết ôm con và lại nghĩ tới cách làm thế nào để chồng làm việc nhà.
Bình đẳng cũng có mức độ
Phụ nữ hiện nay cũng có quyền bình đẳng với chồng hơn hồi xưa: chia sẻ làm việc nhà, cơ hội thăng tiến và việc hưởng các dịch vụ xã hội.
Nên âu yếm, nũng nịu chồng nhiều hơn nếu muốn "bắt" chồng làm việc nhà Tuy nhiên, theo Ban nghiên cứu vì sự bình đẳng của phụ nữ Hà Nội, cũng đi làm như nhau, phụ nữ phải dành ra 3 giờ đồng hồ hàng ngày để làm việc nhà. Trong khi đó, đàn ông chỉ dành có 9 phút. 80% những cuộc cãi nhau, xung đột về chuyện bình đẳng việc nhà thường không đạt kết quả tốt và phụ nữ khó có thể tháo gỡ khó khăn của mình.
Những người vợ không nên coi sự bình đẳng 50 – 50 trong mọi thứ một cách “sòng phẳng”, nhất là việc nhà. Nên hướng tới sự bình đẳng hai vợ chồng tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhau.
Hãy khuyến khích chồng làm những công việc phù hợp với khả năng của chồng: dạy con học, sửa điện trong nhà, xem lại tay phanh xe máy... Người vợ có thể đảm đang lo phần chi tiêu, chăm sóc con cái từ bữa ăn đến giấc ngủ...
Nếu chồng chưa chăm chỉ làm việc nhà, chị em có thể làm nũng, thể hiện một vài cử chỉ tình cảm, chắc chẳng ông chồng nào mà lại không lay chuyển. Không nên dùng hình thức quạt nạt, bới móc và bắt buộc.
Suy cho đến cùng, phụ nữ vẫn là người lo việc nhà nhiều hơn và không thể đòi hỏi chồng cũng làm như mình được. Các chị em hãy cố gắng làm hết mọi việc mình có thể để vun vén gia đình hạnh phúc nhé!